Cử nhân ra làm bưng bê, dọn dẹp, phục vụ là chuyện bình thường, tâm sự trần trụi của người làm dịch vụ khách sạn: Càng chăm chỉ càng tinh tế!
“Học quản trị khách sạn ra, mất mấy năm học tốn bao tiền học để rồi phải bắt đầu từ lau dọn, bưng bê đồ ăn… có đáng không?” Nhiều người có cái nhìn phiến diện như vậy về ngành dịch vụ khách sạn. Vậy công việc ấy có đơn giản là lao động chân tay, là bưng đồ ăn, rót rượu, cúi đầu cọ toilet cho người ta?
Chắc hẳn bạn nào theo ngành dịch vụ – khách sạn cũng từng nghe những lời chê bôi ấy. Có người còn nói, phục vụ trong nhà hàng – khách sạn cũng chỉ là các mác sang hơn bên ngoài thôi chứ ở đâu chả là culi, là dâu trăm họ. Thậm chí nhiều bạn mới vào nghề cũng hoang mang với ngành mình đã theo học, mình chọn sai rồi sao?! Nhưng nghề nào cũng có cái được và cái mất, bạn nghĩ sao thì điều bạn cảm được cũng chỉ có vậy.
Mình viết bài này dưới góc độ của một người mới làm nghề được 2 năm nhưng mình tin tưởng những năm học tại trường và quãng thời gian trường tạo điều kiện cho mình đi thực tập và kiến tập ngay từ năm nhất, sự quan sát từ nhiều anh chị trong nghề sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về ĐƯỢC – MẤT trong nghề dịch vụ – khách sạn.
1. Học hành vất vả ra làm lao động chân tay?!
Học sao thấy khổ, làm sao mà thấy cực quá. Quần quật cả ngày rửa, lau vài trăm cái đĩa, cái bát; săm soi mấy trăm cái ly. Làm tiệc thì hùng hục bê đồ ăn, dọn chạy như trâu, đĩa nào đĩa nấy nặng cả vài cân. Làm buồng phòng thì nhiều khi như một bãi rác, nhặt bao cao su là chuyện thường ngày ở huyện. Có vài người hay kêu nghề này bạc bẽo ghê. Hay có người nói “mình ở nhà chẳng cọ toilet bao giờ, lúc xin làm phòng thì phải cúi xuống nhìn từng cái toilet, cọ đi cọ lại mà vẫn chưa nên hồn”.

Bạn đừng ảo tưởng học quản trị khách sạn – nhà hàng ra trường xong là được mặc vest, thảnh thơi sai việc người khác ngay. Muốn được làm giám sát, quản lý thì từ cái nhỏ nhất bạn cũng phải biết làm lúc đó mới nhìn ra được lỗi sai của nhân viên mà nắn chỉnh.
Do đó, ai cũng phải bắt đầu từ những công việc cơ bản nhất của từng bộ phận. Với F&B, bạn đi lên từ nhân viên phục vụ nhà hàng, banquet, còn Housekeeping thì cũng phải từ nhân viên phòng, nhân viên public mà đi lên.
Bạn chưa từng phục vụ tiệc hay làm bếp thì bạn có phân biệt nổi các loại dao, loại dĩa chỉ trong một lần học không? Rồi cách mở một cái nút chai, rót một chai vang, bê một đĩa thức ăn sao cho đúng điệu? Dọn phòng như lau như ly, đâu phải ngày một ngày hai là làm được ngay. Tập đi tập lại, sai lên sai xuống thì mới thành hình được chiếc giường lung linh, mềm mại như bạn vẫn thấy.
Đừng rập khuôn, vội vàng đánh giá. Bạn cứ thử làm một thời gian sẽ thấy chính mình khác hẳn, chân tay nhưng đầu óc luôn phải linh hoạt, ghi nhớ để mà sắp xếp. Ngày xưa mình đã phải tập bê gạch, mời gấu bông ngồi bàn ăn liên tục suốt cả tháng trời ở nhà chỉ để thi một môn học mà vào làm thực tế còn run lẩy bẩy.

Để làm được “lao động chân tay” đầy nhanh nhẹn, nghệ thuật như các anh chị lớn trong nghề thì chẳng phải dễ. Đủ yêu, đủ kiên nhẫn và làm vô số lần mới được.
2. Kỷ luật cứng nhắc, ca làm việc dài?!
Không được nhuộm tóc màu nào, tay sơn móng ra sao rồi độ dài móng tay, trang sức đeo ở mức độ nào đều được quy định. Đồng phục luôn phải sạch sẽ phẳng phiu, cẩn thận tới cả cái pin cài áo.
Mùa đông nhiều khi vẫn phải mặc áo sơ mi rét căm căm. Đứng lâu muốn gãy chân, phồng rộp chân, nốt chai từng mảng, có khi chảy máu phần gót do cọ đôi giày đen phải đi suốt nhiều tiếng đồng hồ. Chào cúi người 45 hay 90 độ, nghe điện thoại sau hồi chuông thứ hai,.. một tỷ quy tắc. Càng khách sạn lớn thì danh sách quy định càng dài.
Đã vào nghề này thì làm gì có cái gọi là lễ, Tết, khách sạn mở cửa 24/7. Vào mùa cao điểm có khi chạy liên tục cả ngày chứ đừng mơ tới hết 8h tan làm đi về. Đặc biệt là tiệc thì có khi tới sáng.

Nghe khắc nghiệt nhỉ? Về điểm này mình cũng thấy vậy nhưng ở trong một sân chơi nào chẳng có luật, bạn thích nghi được thì tồn tại được, không thì bị đào thải.
Còn những quy định khắt khe trên, thử nghĩ xem, nếu không có chúng thì sự chỉn chu về dịch vụ sẽ tụt thảm hại. Tất cả gộp lại đều là mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Bạn phải hiểu mình đang bán một sản phẩm vô hình, từng hành động, từng cử chỉ, lời nói của bạn đều là một phần không thể thiếu trong cả khâu. Một người làm sai thì công sức của cả tập thể coi như bỏ.
Mình từng đọc được một câu rất thú vị : “Chỉn chu từng chút một khi có thể. Dù công việc là cọ bồn cầu thì mình vẫn luôn cố gắng là người cọ sạch nhất”. Khuôn khổ sẽ rèn giũa mình nhiều lắm. Như mình, dù không làm nghề nữa nhưng mình vẫn để ý móng tay của bản thân, những thứ nhỏ xíu mà thay đổi bản thân cả về sau.
3. Môi trường “drama” lắm?!
Nghe đồn ma mới bắt nạt ma cũ, drama giữa các bộ phận, drama với khách, bất tận không hồi kết. Khách sạn chính là một xã hội thu nhỏ, quy mô ít thì vài chục nhân viên, lớn thì tới vài trăm. Đủ các độ tuổi và học vị. Do đó, làm sao mà tránh xảy ra chuyện này chuyện kia được. Ở nơi chỉ có vài người thôi cũng đủ chuyện rồi nói gì tới môi trường rộng hơn.

Ngày xưa mình không hiểu vì sao bản thân im ỉm, chẳng làm gì mà cũng bị ghét, bị đánh giá. Nhưng sau này làm được làm dưới văn phòng buồng, chị quản lý dạy mình rằng: “Đây chính một xã hội nhỏ, em phải biết sống cho phù hợp. Mở miệng mình ra chào hỏi, cư xử lễ phép, thật thà, thái độ tốt là không sinh ra chuyện gì đâu”.
Mình không phải người nhanh mồm nhanh miệng nhưng cũng chịu thay đổi, mở miệng ra chào hỏi, quan tâm để ý anh chị, thật lòng chứ không phải thảo mai. Mình không đưa đẩy tám chuyện, nhận xét người khác. Mọi thứ nhẹ nhàng hơn hẳn. Bạn cứ sống hòa nhã, biết trước biết sau thì không có chuyện bị drama. Tuy nhiên sự cạnh tranh trong khách sạn rất cao, một vị trí thăng tiến đi lên không hề dễ dàng. Đây là điều cần nhớ kỹ, nếu bạn có thấy sự kèn cựa, hơn thua thì cũng là điều bình thường.
4. Muôn kiểu khách hàng
Câu cửa miệng là không được đánh khách, không được cãi khách hàng, luôn phải cúi mình này kia. Nhiều khi thấy khách sai rõ ràng rồi mà vẫn phải nhịn. Mình không nói tới trường hợp quá lố kiểu “mua mâm thì đâm cho thủng”, hành hạ nhân viên nhé.
Nhưng bạn ơi, nhìn lại đi, ai là người nuôi sống doanh nghiệp, chính là khách hàng. Thế mới nói tư duy đặt khách hàng làm trọng tâm nó quan trọng vô cùng. Có thể bản thân mình cứng nhắc nhưng mình chưa bao giờ thích kiểu trước mặt thì cười, vừa quay đi thái độ khác hẳn. Họ bỏ tiền ra để chi trả cho dịch vụ vậy cái họ nhận lại cũng cần được tương xứng, giá trị mang lại.
Bạn càng chăm, càng chinh phục được khách khó tính, họ theo bạn càng dài và là nguồn quảng bá truyền miệng hiệu quả nhất. Và mỗi một tính huống xảy tới, giải quyết được nó là rút ra được một bài học. Bởi nghề này linh hoạt vô cùng, bất ngờ xảy tới liên tục trong ngày. Mình thấy giao tiếp với khách như một nghệ thuật vậy.

Để trở thành một người phục vụ giỏi cũng cần có trường có lớp, luyện tập rất nhiều lần. Càng làm thì càng tinh tế, quan sát tốt lên rất nhiều. Mình biết ơn khi nền tảng mình bắt đầu là nghề dịch vụ, nó giúp ích cho mình cả trong công việc hiện tại. Văn hóa cảm ơn, cách giữ cái nhà cho sạch đều là học từ đây mà ra.
Hy vọng với mỗi một nghề, bạn đừng vội chớm làm rồi đánh giá nó với một cái mác không hay. Cứ thử trải nghiệm cho thật sâu trước đã, nghĩ đẹp thì là đẹp, điều gì cũng sẽ có cái hay để học.
Trường Cao đẳng Đại Việt hiện đang đào tạo chuyên ngành “Quản trị khách sạn” và “Quản trị nhà hàng”. Không chỉ được dạy nghề, các bạn sinh viên còn được đi thực tập ngay từ năm đầu tại các nhà hàng khác sạn thuộc CEO Group và các đối tác uy tín. Nếu bạn có niềm đam mê với nghề bếp hãy tham gia xét tuyển ngay nhé!
Theo CafeBiz
▪️ Trường Cao Đẳng Đại Việt
📍 44 Nguyễn Cơ Thạch, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội
☎ Hotline 24/7: 𝟎𝟖𝟗𝟖 𝟒𝟒𝟔 𝟏𝟏𝟏
🌐 https://caodangdaiviet.edu.vn/